Ung thư không phải là dấu chấm hết

28/01/2021

Mỗi người có một cuộc đời để sống, còn được thở thì hãy còn là hạnh phúc, lạc quan vui vẻ chấp nhận sẽ giúp chúng ta dễ dàng bước đi hơn rất nhiều.

Phần I: Quá trình điều trị hóa chất

Tôi tên là Thanh Thanh, 27 tuổi, sống tại thành phố Tuyên Quang. Tháng 04/2019, cùng trong một khoảng thời gian ngắn tôi bị sốt cao kéo dài, bầm tím chân tay, sưng đau má phải, không ăn được bất cứ thứ gì, đầu óc choáng váng, quay cuồng, chân tay run rẩy, có những lúc không thể tự đứng dậy. Chồng tôi đưa tôi lên viện tỉnh để kiểm tra. Bác sĩ cho tôi nhập viện luôn để truyền máu vì thiếu máu quá nhiều. Sau đó tôi được chuyển về Viện Huyết học Truyền máu Trung ương để xác định chính xác nguyên nhân thiếu máu và có hướng điều trị.

Ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, bác sĩ cho tôi nhập lên Khoa Bệnh máu tổng hợp H4. Vừa bước chân vào phòng bệnh, có khoảng 16 bệnh nhân, mỗi bệnh nhân có một người nhà đi chăm, tôi cúi chào mọi người, lúc này tất cả mọi ánh mắt đổ dồn vào nhìn tôi một cách tò mò, hoài nghi, đáng thương, rồi mỗi người một câu, người hỏi thăm, người thì không ngại chia sẻ cố lên cháu ạ, tôi quay cuồng trong những lời nói không ngớt của tất cả mọi người.

Ôm chồng tôi khóc rất nhiều. Đêm đó, tôi mở điện thoại thì vô tình đọc được bài viết chia sẻ của một chị tên là Hằng, chị ấy bị bệnh LUPUS  hệ thống, không chịu đầu hàng trước số phận mà chị ấy chọn cách kiên cường chiến đấu chống lại nó, đến hiện tại là được 6 năm rồi. Đọc bài chia sẻ của chị ấy xong không hiểu sao tôi có một động lực vô cùng lớn, có thể nói đây là điểm tựa tinh thần đầu tiên cho tôi sẵn sằng đón nhận mọi thứ. Vậy là kỳ nghỉ lễ 30/04 và 01/05 hai vợ chồng tôi phải ở viện chờ đợi kết quả trong sự hoang mang lo lắng tột độ. Màn đêm lại buông xuống xua tan đi cái không khí vội vã làm việc ban ngày của các bác sĩ, y tá. Tôi nằm im cho chồng ngủ, mà nào cả hai có ai ngủ được.

Chuyện gì đến cũng sẽ đến, ngày 05/05/2019, vừa sáng sớm mở mắt ra tôi đã thấy tất cả người nhà tôi ở ngoài hành lang, nhìn thấy mọi người tôi phản ứng cáu gắt vô lý nói tại sao không hỏi ý kiến của con mà mọi người tự ý xuống hết đây, con đã bảo con không sao mà, rồi tôi đuổi hết mọi người đi ra ngoài. Hành động ấy thật sự không đúng nhưng tôi không thể kìm chế được, là tôi đang tự đấu tranh chống lại cái sự thật mà tôi đã biết cách đây hai hôm khi bác sĩ đưa tờ kết quả chọc tủy cho em trai tôi đi photo. Loxemi cấp dòng tủy thể M2 hay nói một cách dễ hiểu hơn là “Ung thư máu”, đây cũng chính là kết luận nguyên nhân gốc gây thiếu máu của tôi, tra từ khóa này trên google hiển thị một đống dữ liệu không lành, chỉ là tôi mong có một phép màu biến kết quả kia là sai số, là nhầm lẫn, là hi hữu của tất cả các bác sĩ, dù biết là không thể, ấy vậy mà tôi cứ hoang tưởng hy vọng.

Chị Thanh Thanh khi đang điều trị (Ảnh tác giả cung cấp)

Tôi bịt chặt hai tai khi nghe bác sĩ thông báo kết quả cho cả gia đình biết, ôm mặt khóc như cả thế giới sụp đổ, cái án tử đang treo lơ lửng ngay trước mắt. Thề là giờ phút ấy tôi chỉ muốn ở một mình thôi, một mình chui vào cái góc nào thật tối tăm bé nhỏ cho không ai phải nhìn thấy cái cảnh tượng gục ngã suy sụp mà dù có nằm mơ tôi cũng không bao giờ nghĩ đến mình bị rơi vào. Chẳng lẽ mình sắp chết thật sao, chẳng lẽ cuộc đời lại ngắn ngủi đến thế? Hãy bình tĩnh nhìn vào thực tế nào cô gái, được sinh ra đã là món quà kỳ diệu của tạo hóa rồi, ông trời chỉ đang thử thách bạn tí thôi, bạn còn may mắn hơn rất nhiều người ấy chứ, “Chúng ta không được chọn chiến trường để chiến đấu nhưng hoàn toàn có thể nắm tay người bạn tinh thần tốt nhất cùng ra trận”.

Vào buổi chiều hôm ấy, tôi đến tham dự buổi tọa đàm có chủ đề “không còn âu lo”. Nội dung buổi tọa đàm hay và bổ ích lắm, nó giúp bạn cảm thấy nhẹ lòng và xua tan đi phần nào những lo âu về cuộc sống bon chen ngoài kia, những nỗi đau về thể xác và tinh thần được an ủi động viên để tìm thấy lối thoát của cái gọi là “số phận”. Ở đây chúng tôi những con người hoàn toàn xa lạ được gặp nhau, cùng đồng cảm chia sẻ nỗi đau, có những em bé đang phải bế ngửa bố mẹ phải tạm gác hết công việc sang một bên để thay nhau chăm sóc chạy chữa cho con, có những em đang độ tuổi học sinh, những thanh niên mới lớn chưa có gia đình, những người bạn cùng trang lứa với tôi và cả những cụ già… tất tật đủ cả, bệnh nó có trừ ai đâu. Cuộc sống thật quá vô thường!

Bác sĩ tư vấn và chuyển lên tôi lên H8 Khoa điều trị hóa chất và ghép tế bào gốc. Tôi được xếp vào phòng hóa chất 818. Thêm một lần sốc nữa, bước đến cửa phòng đôi chân tôi như tê dại không bước nổi nữa, trời ơi chuyện gì đang diễn ra trước mắt tôi đây, sao ai ai cũng không có tóc, mỗi giường bệnh là có hai bệnh nhân phải nằm ghép, người thì nôn, người thì mệt mỏi không muốn nói, người thì bị lở mồm miệng, người thì sốt… hít một hơi thật sâu lấy can đảm bước vào phòng, chào mọi người nhưng dường như ai cũng mệt mỏi không muốn đáp lời. Có một giọng nói vọng lại từ xa: Cháu mới đến lần đầu phải không, thấy tóc cháu chưa rụng, vào đây rồi phải giữ gìn vệ sinh thật sạch sẽ cho cá nhân và cho tất cả mọi người, người nhà không có việc gì thì hạn chế vào phòng bệnh nhé. Cũng không để ý là ai nói tôi cũng chỉ đáp lời vâng và nghĩ mình cũng sẽ tuân thủ. Buổi trưa ăn xong tất cả mọi người cùng đi ngủ, tôi thao thức mãi không thể nào chợp mắt, lang thang ra hành lang tìm chồng, mẹ, chị. Chồng tôi nằm tựa lưng vào ghế ngủ, tôi đứng nhìn chồng hai hàng nước mắt tự chảy từ lúc nào không hay, gạt nước mắt tôi lại lặng lẽ bước đi trong vô thức. Mẹ kia rồi, mẹ nằm ở cái ghế gấp ngủ, tôi chỉ muốn hét to lên tôi không chấp nhận sự thật này, lại tiếp tục bước đi, cả hành lang người nhà nằm la liệt kín chỗ luôn, bon chen mãi tôi cũng tìm thấy chị gái mình, chị nằm ở ghế, em muốn nói xin lỗi chị, em lại để chị phải lo cho em nữa rồi…

Bác sĩ chia sẻ với tôi cụ thể về phác đồ điều trị bệnh: Cháu cần phải điều trị hóa chất giống như tất cả các bệnh nhân khác, mong sẽ đạt đáp ứng thuốc tốt rồi chúng ta sẽ nghĩ đến phương án “ghép tủy” để có thể đảm bảo được lui bệnh lâu nhất. Bác sĩ có chia sẻ thêm là không có con đường nào đi đến cái đích mình mong muốn trải đầy hoa đâu, về chuyên môn cháu cần tin tưởng tuyệt đối vào các bác sĩ, còn về phần cháu thì cần có một cái nhìn  đúng đắn về bệnh của mình cộng thêm sự quyết tâm, nghị lực bản thân, sự chăm sóc từ phía gia đình, làm được như vậy sẽ chiến thắng ít nhất 40 đến 50% bệnh rồi. Nghe xong tôi lại có thêm niềm tin để tuyên chiến với cái gọi là “thử thách” ông trời đặt ra cho mình.

Những chai truyền hóa chất đi vào cơ thể khiến tôi bắt đầu chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, run chân tay bắt đầu xuất hiện, cảm giác mùi thức ăn ngày càng khó chịu. Ngồi một mình nghĩ vu vơ, nhìn những sợi tóc bắt đầu rụng, cảm xúc lẫn lộn lắm, sống mũi cay cay khi nghĩ đến cảnh tượng cái đầu trọc lốc. Lần hóa trị đầu tiên của tôi không lui bệnh chút nào, cái anh K trong tôi nó cứng đầu quá, ông trời như đang muốn thử lòng kiên nhẫn của tôi. Các bác sĩ vỗ vai an ủi, động viên tôi và cố gắng, lần này sẽ chuyển phác đồ mạnh hơn để mong sẽ có kết quả tốt. “Có thể ngày hôm nay không tốt, ngày mai lại tệ hơn nhưng biết đâu ngày kia lại tốt gấp nhiều lần hôm nay”.

Có vẻ cuộc chiến thực sự mới bắt đầu, hóa chất truyền vào là cơ thể tôi mệt mỏi, không nhấc nổi cái tay lên, không mở nổi mắt, toàn thân tê dại. Đã có những lúc cảm thấy như vượt qua ngưỡng chịu đựng của một con người, ám ảnh của mùi thức ăn, chỉ cần nghĩ đến thôi chứ chưa cần ăn mà trong bụng có gì là muốn cho ra hết. Những cảm xúc lo âu, sợ hãi khi giai đoạn hóa chất có tác dụng làm các chỉ số máu tụt xuống sập sàn, tôi còn nhớ mỗi lần phải truyền tiểu cầu đều bị dị ứng, có lần nặng nhất là tôi bị ngứa khắp người càng xoa càng ngứa, khó thở, mắt mũi tối sầm lại, người bứt rứt khó chịu, rồi tiếp đến là những cơn sốt cao, đau bụng quằn quại, đau muốn quỳ gối xin được giải thoát, mỗi lần trải qua những khó khăn như thế lại làm cho tôi cảm thấy trân trọng cuộc sống hơn. Cái gọi là tình thương giữa con người với con người, sự thương cảm và thấu hiểu nhau. Điều ám ảnh và khó chấp nhận nhất với tôi là từng ngày phải chứng kiến các đồng bệnh khác ra đi, có lẽ họ đã được giải thoát về với thiên đàng nơi không có đau đớn gì nữa, cuộc chiến này thật sự rất nghiệt ngã. Biết là quy luật của tự nhiên, có sinh ắt có tử nhưng sao nhói lòng quá, rồi tôi lại nghĩ về những ngày tháng tiếp theo của tôi…

Cảm giác vỡ òa vui mừng hạnh phúc khi bác sĩ thông báo căn bệnh quái ác kia đã được đẩy lui hoàn toàn, sau bao cố gắng thì cuối cùng ông trời đã động lòng thương. Cảm ơn cuộc đời, con đường đã mở để tôi bước tiếp, những tưởng đoạn đường sẽ bằng phẳng, ai ngờ chụp XQ lại cho kết quả viêm phổi, nhưng chỉ sau hai tuần điều trị tích cực mọi thứ đã ngọt ngào trở lại và tôi đã đủ điều kiện vào hóa chất đợt 3. Lần này có lẽ do tâm lý cũng ổn hơn, sức khỏe tốt hơn nên diễn biến của quá trình điều trị khá thuận lợi, đặc biệt là có động lực lớn hơn nữa là tủy của em trai tôi và tôi hợp 100% để chuẩn bị cho quá trình ghép tế bào gốc. Việc của tôi bây giờ phải chuẩn bị tâm lý tinh thần thật tốt để sẵn sàng cho cuộc chiến sắp tới!!!

Phần II: Quá trình ghép tế bào gốc đồng loại

Đi tiếp chặng đường dài! Trời thu se lạnh, phố xá đông đúc người qua người lại, người mặc áo phao, người mặc áo cánh, người lại mặc quần áo ngắn, người thì mặc quần áo dài, trời đã tắt nắng nhường chỗ cho những đám mây phảng phất và những cơn gió hiu hiu, một khung tranh thật yên bình. Đó là ở ngoài kia, còn đây trong viện 3 chị em tôi loanh quanh tất bật chuẩn bị cho cuộc chiến đấu tìm lại sức khỏe cho tôi.

Em trai tôi tiêm mũi kích tế bào gốc đầu tiên, hai ngày sau nó bắt đầu sốt, đau khắp người mà nó chẳng kêu than tiếng nào. Sau 4 ngày tiêm thuốc thì em trai tôi được bác sĩ cho đi gạn tách tế bào gốc, chị em chúng tôi hồi hộp, lo lắng, 3 chị em ôm nhau mà chẳng ai dám khóc to. Lúc này cần sự mạnh mẽ nhất, quyết tâm không được để bất cứ chuyện gì ảnh hưởng đến mục tiêu lớn, thời gian 3 tiếng rưỡi đã gạn xong, nhìn nó ngồi trên ghế như bị vắt mất nhiều sức lực, em tôi nó đã hoàn thành suất sắc xứ mệnh, nhiệm vụ còn lại nó giao cho tôi nhất định cũng phải làm thật tốt. Chúng tôi ôm nhau thật chặt, những giọt nước mắt hạnh phúc lẫn lo lắng của cả 3 chị em hòa lẫn vào không khí vắng lặng của buổi đêm tiết thu lành lạnh. Tôi hoàn thành nốt việc khám chuyên khoa, kết quả hội chẩn liên khoa, hội chẩn liên viện của các bác sĩ đều đã sẵn sàng.

Đúng 14h ngày 14/10/2019, cánh cửa phòng ghép mở, các chị điều dưỡng ra đón tôi vào. Chia tay các bà, cô, chú, anh, chị đồng bệnh bên ngoài, 2 chị em tôi ôm nhau thật chặt, cảm giác chẳng biết nói sao, không nói ra nhưng thực sự cả chị và tôi đều sợ đây là cái ôm cuối cùng, chỉ người trong cuộc và sát cánh mới thể hiểu được. Cánh cửa khu cách ly đóng lại, bàng hoàng, bâng khuâng, hụt hẫng, hoang  mang, lo sợ, bước chân tôi tê dại. Các gương mặt các chị điều dưỡng đều mới, mọi người sắp xếp đồ đạc và hướng dẫn sử dụng các thiết bị trong phòng rồi mỗi người ai làm việc nấy. Căn phòng vắng lặng im ắng như nghe được cả tiếng thở của mình, ngồi nghĩ vu vơ, mà cũng chẳng biết mình đang nghĩ cái gì nữa, nước mắt tôi giờ mới thoải mái rơi tự do, chẳng sợ ai nghe thấy… Mình đang đi ở đâu thế này, chồng con mình ở nhà đang như nào? Người thân mình đang ra sao…???

Ở ngoài hành lang kia tôi biết chị gái mình đang chăm chú nhìn camera theo dõi từng cử chỉ bước đi hành động của tôi, và tất cả những người nhà khác có bệnh nhân đang nằm trong này họ đều hướng mắt về màn hình tivi và có chung cảm xúc như nhau. Thật sự thương và biết ơn tất cả! Nhưng rồi gạt hết mọi sự sang một bên lấy lại tinh thần và ý chí với quyết tâm cao nhất cho những ngày sắp tới.

Rồi quá trình diệt tủy của tôi bắt đầu, đây là quá trình khủng hoảng nhất mà các bệnh nhân ghép tủy phải trải qua. Dù đã có sự chuẩn bị tâm lý và sức khỏe khá tốt nhưng không tránh khỏi những điều gọi là bất ngờ của sự thật. Chân, tay thậm chí cả cơ thể tôi đều dần bị mất kiểm soát, lúc này tôi chỉ còn biết dùng lý trí để vượt qua. Những cơn đau đầu như muốn nổ tung, những cơn gồng cứng cơ rồi những cái run mềm nhũn người không thể tự đứng lên bước đi một mình, không thể mở nắp chai nước để uống và chắc chắn không thể thiếu món đặc sản nhất là nôn, có những hôm bị nôn liền mấy tiếng đồng hồ, vị giác gần như mất hoàn toàn, miệng lở loét đau tôi không ăn được gì trong khoảng hai tuần, sự sống lúc này phải nhờ đến những bịch dinh dưỡng. Những lúc ấy, sẽ có là các anh chị điều dưỡng luôn luôn túc trực, mọi người chăm sóc an ủi khiến chúng tôi đều có cảm giác an toàn và bớt tủi thân đi phần nào. Vậy là quá trình làm sạch tất cả những cây cỏ bị sâu bệnh trên cơ thể của tôi cũng đã xong, tất cả đã sẵn sàng cho việc gieo trồng mầm giống mới.

Ngày 24 tháng 10 năm 2019 là ngày ghép tế bào gốc của tôi. Quá trình truyền ghép tế bào gốc diễn ra trong khoảng 40 phút, đó là theo lời người nhà tôi kể lại, chứ sau mấy phút là cơ thể tôi quằn quại với đủ bộ những phản ứng rồi dần dần thiếp đi. Chiều tỉnh dậy mặt mũi sưng húp, nhưng kì diệu là tôi khỏe ra rất nhiều, tự vận động và làm những việc cá nhân mà không cần phải nhờ đến sự trợ giúp của các anh chị điều dưỡng nữa.

Những ngày đầu mới vào khu cách ly, các chị điều dưỡng hay gọi tôi là “cô gái xinh”, những ngày sau đó chị bắt đầu chuyển gọi tôi với ngữ tữ đúng với hiện trạng bấy giờ là “cô gái xấu”, nguyên nhân là tác dụng phụ của quá trình ghép biến hình hài tôi trông giống như một chú khỉ chưa kịp tiến hóa hết, đầu tóc rụng lởm chởm với những đám mụn dày chi chít, khắp người da sạm đen và loang lổ, nhăn nheo không khác nào một bà cụ già, cho gần đến những sắp được ra khỏi khu vực cách ly thì chị Hằng lại gọi tôi là “cô gái còi” bởi lẽ tôi bị xuống 8kg.

Một tháng hai mươi mốt ngày với bao nhiêu cung bậc cảm xúc như một bản nhạc lúc thăng, lúc trầm, lúc bổng. Thật xúc động khi tôi nhận kết quả mảnh ghép của em trai tôi đã mọc 100% trong cơ thể của tôi, vậy là kể từ đây tôi được mang nhóm máu O của em trai mình, các chỉ số máu tốt bác sĩ thông báo tôi đã đủ điều kiện được về nhà. Hạnh phúc vui sướng không từ nào có thể diễn tả được. Ngày 03.12.2019 cánh cửa phòng cách ly mở ra, người nhà đang đứng đợi sẵn ở đó để đón tôi về đoàn tụ với con và gia đình. Tôi cười hạnh phúc, cảm xúc vui sướng chạy tới ôm và chào các các bác sĩ như thể không bao giờ phải quay lại nơi này nữa vậy…

Một số hình ảnh hiện tại của chị Thanh Thanh (Ảnh tác giả cung cấp)

Một lời cảm ơn chưa bao giờ đủ để gửi tới tất cả đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương, đặc biệt là Khoa Ghép tế bào gốc H8, có tất cả mọi người mà tôi cảm thấy cuộc chiến chưa bao giờ bị đơn độc và thầm nguyện ơn ông trời đã giữ chân con ở lại! Xin gửi lời chia sẻ cảm thông và thấu hiểu tất cả những ai không may mắn mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Mỗi người có một cuộc đời để sống, còn được thở thì hãy còn là hạnh phúc, lạc quan vui vẻ chấp nhận sẽ giúp chúng ta dễ dàng bước đi hơn rất nhiều. Chúc tất cả mọi người sự bình an, may mắn!

Hiện tại tôi đã được 14 tháng kể từ sau ngày ghép tủy, sức khỏe tôi đã dần hồi phục, tôi đã trở lại hòa nhập với công việc. Mỗi chúng ta đều có một cuộc đời để sống, hãy luôn lạc quan và không ngừng cố gắng! “Không phải chuyện gì cố gắng cũng sẽ được. Nhưng không cố gắng thì chắc chắn bạn sẽ không biết mình được gì”.

Đào Thị Thanh Thanh

Phạm Văn Đồng, tổ 1, phường Hưng Thành, TP. Tuyên Quang

0866 206 808
Nhập thông tin để tải về miễn phí: