TÔI ĐÃ THOÁT KHỎI ÁN TỬ HÌNH
Tác giả: LÊ HÙNG
Email: Lehungmui@gmail.com
Địa chỉ: Số nhà 2, ngách 2/27, ngõ 2 Đường Phương Canh – Phường Xuân Phương – Quận Nam Từ Liêm – Hà Nội.
ĐT: 0982.373.483.
————————————
TÔI ĐÃ THOÁT KHỎI ÁN TỬ HÌNH
Thật vậy, hiện nay có nhiều người bị ung thư quá, mà như các nhà y học cho biết, người bệnh mắc ung thư rất dễ bị chết, đó chẳng phải là cái án tử hình là gì?
Ngay trong tập thể Liên Đoàn Địa chất xạ hiếm, nơi tôi đã công tác và sinh sống từ năm 1984 đến nay đã có 14 người mắc bệnh ung thư, căn nhà tập thể B4 (tên cũ là A17) có 16 gia đình thì đã có 9 bệnh nhân ung thư. Đến tháng 1/2016, đã có 11/14 người đã chết, chiếm tỷ lệ 80% số người mắc bệnh. Đáng tiếc là nhiều người trong đó khi ra đi tuổi đời mới 50- 65 tuổi.
Do vậy, mắc bệnh này hẳn là ít có cơ hội sống lâu trên cõi đời này. Tôi may mắn là 1 trong 3 người thoát chết sau khi điều trị ung thư. Tôi xin được kể lại quá trình được điều trị và vượt qua căn bệnh ung thư như thế nào.
Năm 2014, tôi thường xuyên gặp phải tình trạng đi ngoài ra máu, tuy ít, nhưng cũng làm cơ thể mệt mỏi. Nghĩ là bị trĩ nội, nên sau khi thu xếp việc gia đình, tháng 4/2015 tôi vào Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội xin điều trị ở khoa B3. Ở đấy có nhiều bác sỹ chuyên khoa giỏi, lại trực tiếp được chủ nhiệm khoa chăm sóc cùng với các cộng sự có tay nghề khá. Sau 1 tháng điều trị, tôi vẫn không dứt việc đi ngoài ra máu. Lúc ấy bác sỹ có trao đổi với con tôi cần đi khám nội soi xem sao.
Tôi được vào thăm khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sỹ ở đây phát hiện có hiện tượng lạ, nên đã lấy sinh thiết 4 mẫu để đi phân tích. Một tuần sau, kết quả phân tích được cho là: U trực tràng (Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm và chẩn đoán MBH bằng phương pháp nhuộm NHE ngày 12/5/2015 do bác sĩ chỉ định, kết luận: ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa).
Nhận được thông tin này tôi hết sức choáng váng, coi đây như một án tử hình. Bởi vì không rõ mình có thể sống được bao lâu và tại sao mình lại bị căn bệnh hiểm nghèo này? Tôi suy nghĩ rất lâu về nguyên nhân mắc bệnh. Buồn và lo, có thể do mình mà gia đình khó khăn, nhất là vợ tôi luôn ốm đau, mà tôi là người săn sóc chính. Năm nay tôi cũng đã 75 tuổi, nếu có ra đi cũng là mãn nguyện rồi, so với các bạn khác thì đã “thọ” hơn rồi.
Tôi chỉ muốn áp dụng một số bài thuốc cổ truyền do bạn bè mách bảo như uống nước tiểu, chanh, củ sả, rất sợ phải mổ, dùng hóa chất rụng tóc, trọc đầu… Nhưng các con tôi đều kiên quyết chữa bệnh cho bố bằng công nghệ cao. Cuối cùng tôi đành nghe theo lời khuyên của gia đình, bạn bè, quyết định đi chữa bệnh.
Rất may là tôi được chuyển BHXH sang bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nơi mà điều kiện chữa bệnh khá tốt. Lại gặp may nữa là quy trình điều trị ban đầu được Bác sỹ tư vấn với 28 buổi xạ trị kèm theo uống thuốc xelôza (mỗi ngày 6 viên) kèm theo một số thuốc khác. Khoa ở đây chưa có phòng nội trú, nên tôi được ngoại trú, hàng ngày các con rể tôi đưa đón bằng xe ô tô thực hiện gần 2 tháng xạ trị (tuần 6 buổi và các công tác chiếu chụp khác).
Các cán bộ nhân viên ở đây là các bác sỹ, kỹ thuật viên rất niềm nở, luôn động viên, giúp đỡ tôi. Nhiều bệnh nhân tôi gặp, như bác Táu ở Hải Dương đã đã chữa trị 17 năm rồi, thương binh Nguyễn Hoa (Vĩnh Phúc) phải dùng xe lăn đi lại, các bà, các chị ở tận Hải Phòng, Sóc Sơn, có em nhỏ tận Lai Châu, Sơn La cũng về chữa chạy tại đây. Nên tôi cũng yên tâm, tin tưởng coi đây như ngôi nhà mình.
Nói thêm kỹ thuật xạ trị ở đây so với trước đã rất tiến bộ. Khoa đã được trang bị hệ thống máy gia tốc Clinax CX của hãng Varian (Hoa Kỳ) là một trong những máy xạ trị hiện đại nhất Việt Nam, có chức năng thực hiện các kỹ thuật xạ trị 2D, 3D theo hình dạng khối và đặc biệt kỹ thuật xạ trị điều biến liều cho phép phân bố liều cao tối đã ở khối U, liều tối thiểu ở vùng tổ chức lành xung quanh, nên tăng hiệu quả điều trị, giảm các biến chứng do xạ trị. Thực tế quá trình điều trị của tôi diễn ra tốt đẹp, một số ngày đầu có mệt một chút, ăn ngủ thất thường, đặc biệt vấn đề vệ sinh cá nhân không bình thường.
Sau 1 tháng, trở lại và được mổ tại khoa ngoại BA3 do đại tá –Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm chỉ định mổ : cắt sigma trực tràng nội soi + vét hạch, ngày mổ 14/8/2015. Sau mổ ít ngày, tôi được ra viện ngày 24/8/2015.
Ngày 16/9/2015, tôi được Khoa huyết học truyền máu (A6) bệnh viện 108 nhận vào điều trị. Ở đây bệnh nhân khá đông, các bác sỹ, nhân viên tuy rất cố gắng, những vẫn không xuể, phải chờ đợi. Rất may, tôi được bác sỹ chọn phương pháp ngoại trú uống thuốc Xalvobin 500mg thay cho truyền hóa chất.
Bắt đầu từ 25/9/2015 đến 14/1/2016 chuyển về Bệnh viện 198 Bộ Công An (nơi tôi chuyển đăng ký BHYT từ bệnh viện Hữu nghị Việt Xô về cho thuận tiện) được các bác sỹ Khoa Ung bướu ở đây tiếp tục điều trị. Đến 4/2/2016 kết thúc đợt điều trị ban đầu. Như vậy sau 9 tháng, tôi đã hoàn thành đợt điều trị dài ngày nhất trong cuộc đời.
Nói hơi dài như vậy, vì tôi đã vượt qua một cuộc chiến đấu với bệnh tật mà như chủ tịch CLB thơ Việt Nam, nói trong cuộc họp Ban chấp hành mở rộng ngày 27/9/2015 là “tôi đã từ cõi chết trở về” và vẫn tiếp tục yêu cầu tôi chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc CLB ngày 5/10/2015.
Là một bệnh nhân ung thư, qua điều trị, tôi muốn nói những lời cảm ơn chân thành đến các thầy thuốc, CBNV các bệnh viện Y học cổ truyền Quân đôi, Bệnh viện TW Quân đội 108, Bệnh viện 198 Bộ Công An đã giúp tôi khắc phục thành công bệnh trọng, để tôi tiếp tục cuộc sống an lành.
Cảm ơn bạn bè, người thân trong gia đình, dòng họ Vũ, những đồng chí, bạn bè của cơ quan tôi đã từng gắn bó, như: Trường TCKT Địa chất, Liên đoàn Địa chất xạ hiếm, Cục Địa chất VN, và các đ/c lãnh đạo Quận ủy, UBND, các ban ngành thuộc Quận Nam, Bắc Từ Liêm, các bạn thơ trong Câu lạc bộ thơ Việt Nam, Liên hiệp các CLB thơ Công nhân, CLB Văn học Tháp Bút, Thơ Đường… và bà con tổ dân phố số 2, Thị Cấm (Xuân Phương) đã có sự thăm hỏi động viên tôi rất nhiều trong những ngày tôi điều trị và vượt qua trọng bệnh./.
Ghi chú: Tôi đã qua gần 6 năm khắc phục Ung thư. Đến nay sức khỏe vẫn tạm ổn, tôi đã nhận Huy hiệu 55 tuổi Đảng (2019) và mừng thọ 80 vào năm 2020. Tôi đã hoàn thành tập thơ mới: “Những bài thơ còn dở” và tập ký: ”Đất và Người quê ta”. Hy vọng sẽ còn được tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp văn học nhiều hơn nữa, dài hơn nữa. Xin cảm ơn! Tôi yêu các bạn!